Tin Tức

 
 

HƯỚNG DẪN

 

Kiểm tra cần cẩu, xi téc, bình nhiên liệu CNG, LPG được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới 

Căn cứ Quyết định số 862/QĐ-BGTVT ngày 05/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT ngày 27/12/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BGTVT ngày 06/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải;

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn kiểm tra cần cẩu, xi téc, bình nhiên liệu CNG, LPG được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới như sau:

1.           Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1.       Hướng dẫn này áp dụng cho việc kiểm tra, lập hồ sơ kỹ thuật đối với cần cẩu, xi téc, bình nhiên liệu CNG, LPG (sau đây gọi chung là thiết bị) được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới.

1.2.       Hướng dẫn này không áp dụng cho việc kiểm tra bình nhiên liệu CNG, LPG sử dụng trong hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe cơ giới đã được quy định kiểm tra tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT.

1.3.       Áp dụng cho các đơn vị, cá nhân có liên quan đến công tác kiểm tra thiết bị được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới.

2.           Giải thích từ ngữ

Cần cẩu, xi téc, bình nhiên liệu CNG, LPG được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới nêu tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 của Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT trong văn bản này được hiểu như sau:

2.1.     Cần cẩu được trang bị, lắp đặt trên các loại ô tô sau: Ô tô cần cẩu; ô tô kéo, chở xe (cứu hộ giao thông); ô tô tải có gắn cẩu; ô tô tự đổ có gắn cẩu; ô tô đầu kéo có gắn cẩu; ô tô có cần cẩu nâng người làm việc trên cao; sơmi rơ moóc có gắn cẩu.

2.2.     Xi téc dùng để chở nhiên liệu, khí hóa lỏng, khí nén, hóa chất độc hại, xi măng rời.

2.3.     Bình chứa nhiên liệu CNG, LPG sử dụng cho các thiết bị chuyên dùng lắp đặt trên xe cơ giới.

3.           Hồ sơ kiểm tra

3.1.       Kiểm tra lần đầu đối với thiết bị đã được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới trước ngày Thông tư 56/2012/TT-BGTVT có hiệu lực nhưng chưa được cấp một trong các giấy chứng nhận chất lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 35/2011/TT-BGTVT (sau đây gọi tắt là Thông tư 35), Hồ sơ bao gồm:

a)           Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục X của Thông tư 35, áp dụng với trường hợp thực hiện kiểm tra ngoài địa điểm của Đơn vị đăng kiểm.

b)           Tờ khai thông số kỹ thuật do chủ phương tiện lập đối với thiết bị theo mẫu tại Phụlục 1aPhụ lục 1b của Hướng dẫn này.

c)           Các tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị (nếu có): Thông số, đặc tính kỹ thuật của nhà sản xuất, Phiếu kết quả kiểm định, Giấy chứng nhận thử, Giấy chứng nhận dung tích, biên bản kiểm tra, hồ sơ thiết kế.

d)           Đăng ký xe ô tô.

3.2.       Kiểm tra định kỳ đối với thiết bị được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới đã được cấp một trong các giấy chứng nhận chất lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư 35, Hồ sơ bao gồm:

a)           Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục X của Thông tư 35, áp dụng với trường hợp thực hiện kiểm tra ngoài địa điểm của Đơn vị đăng kiểm.

b)           Giấy chứng nhận chất lượng (theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư 35).

c)           Đăng ký xe ô tô.

4.           Địa điểm, nội dung và phương pháp kiểm tra

4.1.       Địa điểm kiểm tra:Do Đơn vị đăng kiểm và người đề nghị kiểm tra thống nhất.

4.2.       Nội dung và phương pháp kiểm tra:

a)           Kiểm tra lần đầu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 của Hướng dẫn này.

b)           Kiểm tra định kỳ thực hiện theo quy định của Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực (Mã hiệu CN 10) ban hành kèm theo Quyết định số 025/QĐ-ĐKVN ngày 16/01/2012 của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

5.           Thực hiện kiểm tra

a)           Đăng kiểm viên căn cứ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành áp dụng cho từng loại thiết bị để kiểm tra.

b)           Lập Báo cáo kiểm tra thiết bị lắp đặt trên xe cơ giới theo mẫu Phụ lục 3aPhụ lục 3b của Hướng dẫn này. Cách ghi báo cáo kiểm tra, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị trong khai thác sử dụng thực hiện theo Phụ lục4 của Hướng dẫn này.

c)           Chụp 01 ảnh tổng thể của thiết bị.

6.           Cấp Giấy chứng nhận, thu phí và lệ phí

6.1.       Thiết bị kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị trong khai thác sử dụng theo mẫu tại Phụ lục VIII của Thông tư 35.

6.2.       Thời gian giải quyết

a)           Trường hợp kiểm tra ngoài đơn vị: Cấp Giấy chứng nhận trong phạm vi 03 ngày làm việc sau khi kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 35.

b)           Trường hợp kiểm tra tại đơn vị: Cấp Giấy chứng nhận sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.

6.3.       Thu phí và lệ phí: Mức thu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính (Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 165/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ tài chính và Hướng dẫn số 3111/ĐKVN-TC ngày 19/12/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam)

 Cục Đăng kiểm Việt Nam